QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE TÂM THẦN NGAY TỪ BÂY GIỜ!!!

Nguồn: HCDC – Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh;
Sở Y tế Hà Giang.

Sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một trạng thái của sự khỏe mạnh và hạnh phúc, nhận thức rõ được khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và có khả năng đóng góp cho cộng đồng.

Vì sao sức khỏe tâm thần cần được quan tâm nhiều hơn?

Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể”, các rối loạn dạng cơ thể … Trên Thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tự tử (800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.

Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Tỉ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của Unicef. Gần đây có những trường hợp học sinh, sinh viên tự tử như trường hợp bệnh nhi 13 tuổi, ở Long An được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu do áp lực từ học tập, bạn bè. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.

Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường như: áp lực học tập nhất là vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái và điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các em; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như không hoặc ít tập luyện thể dục; thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, chơi điện tử quá nhiều, hút thuốc lá, uống rượu, … Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Và khi kết quả học tập không tốt nó lại tạo ra áp lực dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.

Dấu hiệu nhận biết mắc các rối loạn tâm thần là gì?

        Dấu hiệu sớm của người mắc bệnh tâm thần là có thể mắc hội chứng suy nhược như rối loạn giấc ngủ, ăn kém ngon, mệt mỏi, mất quan tâm thích thú; cách ly với xã hội, ban bè, giảm giao tiếp, thời gian ở trong phòng một mình nhiều hơn; suy giảm hiệu suất làm việc và học tập; lời nói khác lạ như đang nói tự nhiên ngắt quãng hay lời nói trở nên bí hiểm; thay đổi về hành vi, có thể suốt ngày nằm trên giường, có người trở nên ít ở nhà hay đi lang thang; cảm xúc thờ ơ; những ý nghĩ kỳ lạ cho rằng mình ở thế giới khác về, mình là người cõi trên, cho rằng thức ăn có độc, có ai đó muốn hại mình, có người vui vẻ quá mức, múa hát, làm duyên, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá, xung động tấn công…

        Trước kia người bị bệnh tâm thần không được xem như người bệnh, mà bị hắt hủi, không được quan tâm chữa trị chăm sóc khiến người bệnh càng trở nên sa sút, đi lang thang. Ngày nay với tiến bộ của khoa học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa trị khỏi hoặc thuyên giảm nhiều, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường trong gia đình và xã hội.

        Gia đình và người thân cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, không cúng bái, không giấu bệnh; tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ quản lý và cho uống thuốc đúng liều lượng và thời gian. Có trường hợp phải điều trị duy trì hàng năm, như vậy người bệnh có thể khỏi hoặc ổn định và sống hòa nhập trong cộng đồng.

Cách phòng bệnh

  • Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường lành mạnh
  • Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh, chị em, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng
  • Trong đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau
  • Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ cần có thái độ quan tâm, an ủi, động viên, đối xử đúng mức giúp họ tìm lối thoát.

Văn phòng tham vấn tâm lý Trường Đại học Mở TP.HCM
Phòng 703, số 35 – 37 Hồ Hảo Hớn, P. Cô Giang, Quận 1
SĐT: 028 3838 6616
Email hỗ trợ: tongdaipcou@gmail.com

Tin liên quan

Thông báo Tổ chức báo cáo các chuyên đề về tâm lý “Chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa dịch Covid-19”

24/08/2021

Phòng Công tác sinh viên thông báo việc thực hiện các Chuyên đề tâm lý “Chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa dịch Covid-19” dành cho viên chức và người học trong học kỳ 1 năm học 2021 – 2022

Tổ chức tọa đàm “Xây dựng môi trường không phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT”

13/06/2023

Câu lạc bộ Thúc đẩy Bình đẳng giới Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trung tâm CSAGA và CARMAH tổ chức tọa đàm “Xây dựng môi trường không phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT”

Thông báo Cuộc thi Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ bị bạo lực giới trong bối cảnh COVID-19: CUỘC THI DING-DONG

30/03/2021

1. Bối cảnh chung Theo Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ…

Trường Đại học Mở TP.HCM phối hợp CSAGA Việt Nam tổ chức chương trình trò chuyện “Bạo lực hẹn hò”

30/12/2021

Hẹn hò ngày càng trở nên đa dạng và phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, hẹn hò cũng tiềm ẩn…