Báo cáo chuyên đề và giao lưu ra mắt sách “HỌC!”
Tác giả André Giordan do TS. Nguyễn Khánh Trung dịch và được phát hành bởi NXB Phụ Nữ
Thời gian: 13g30 ngày 06/12/2024 (thứ sáu)
Địa điểm: HT202, 35-37 Hồ Hảo Hớn, P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM
Quyền lợi sinh viên tham gia: cộng 3 điểm rèn luyện điều 1 HK1 năm học 2024-2025
Sinh viên đăng ký tham dự tại đây
GIỚI THIỆU VỀ TỰA SÁCH
“HỌC!”
Tác giả: André Giordan
Dịch giả: TS. Nguyễn Khánh Trung
Phát hành bởi NXB Phụ Nữ
Thưa các bạn sinh viên và quý độc giả,
Thế giới đang thay đổi rất nhanh, đặc biệt với sự xuất hiện của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mới như ChatGPT và rất nhiều các ứng dụng tương tự khác. Các tiến bộ công nghệ này đang ảnh hưởng trực tiếp trên nhiều lĩnh vực xã hội, đặc biệt là giáo dục. Các rô bốt đang dần thay thế vị trí của nhiều người, nó cũng đang “dạy” thay nhà trường một cách hiệu quả nếu nhà trường chỉ dừng lại ở mức độ “truyền thụ” kiến thức như hiện nay. Nó cũng “học” thay người học một cách “lén lút”, nếu việc học chỉ được quan niệm là sự tiếp nhận thông tin và trả bài cho thầy cô để có điểm và bằng cấp. Có lẽ, nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy bị lạc hậu, bị lép vế trước những “ông thầy” lớn có tên là AI này… Như vậy, liệu trường học có còn là nơi độc quyền truyền phát kiến thức? Liệu người học có cần đến trường để chỉ thâu nhận các kiến thức nữa hay không?
Những thay đổi mang tính thời cuộc này buộc chúng ta phải tư duy lại vai trò của nhà trường, vai trò của giáo viên và đặc biệt là vai trò của người học. Cuốn sách này của tác giả Giordan Andre, giáo sư và là nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Giáo học pháp và Nhận thức luận Khoa học tại Đại học Geneve đưa chúng ta vào một viễn cảnh như vậy.
Cuốn sách dành cho ai?
Cuốn sách trước hết dành cho “người học”. Bạn là học sinh hay sinh viên, nghề của bạn là “nghề học”, bạn học xã hội học, kinh tế học, triết học, v.v. Bạn phải học các môn trong chương trình của các cấp từ nhỏ cho đến hiện tại và vẫn còn tiếp tục trong ngôi trường của bạn lẫn trường đời lâu dài về sau. Mà chẳng phải riêng bạn mới phải học, mà tất cả, không phân biệt đó là ai, để tồn tại và thăng tiến, thì đều cần học hằng ngày và suốt cả cuộc đời. Do vậy, theo tác giả của cuốn sách này, tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp đều là “người học”. Học cũng như ăn uống, là hoạt động sinh tồn, nó thúc đẩy nhân loại tiến hóa và giúp các cá nhân, các tổ chức phát triển.
Sự học gắn với thân phận làm người của chúng ta, khả năng học hỏi là một “ân huệ” trời ban cho chúng ta. Làm người, xét về thể chất và sức lực, chúng ta yếu đuối và mỏng manh hơn nhiều loài vật, nhưng bù lại tạo hóa đã ban cho chúng ta một bộ não với hằng tỷ neuron thần kinh và khả năng học hỏi phong phú được cài đặt ngay từ khi lọt lòng mẹ. Chúng ta đã học ăn, học nói, học đi, học đủ thứ một cách tài tình trong những năm đầu đời là nhờ như vậy.
Thế nhưng vì lý cớ gì, những khả năng tự nhiên đó lại mai một dần theo năm tháng khi các trẻ bắt đầu tiếp xúc với nhà trường? Tại sao trường học, một thiết chế được tạo ra cho sự học, lại có vẻ làm cho người học hụt hơi, mệt mỏi đến vậy? Tại sao học sinh, sinh viên bỏ sức lực thời gian rất nhiều chỉ để nhận lại những kết quả quá khiêm tốn và hời hợt mà trong nhiều trang của cuốn sách tác giả đã trích dẫn nhiều tình huống từ các nghiên cứu của ông một cách hết sức hài hước như thế?
Rõ ràng và vô lý một cách lạ lùng là chúng ta ít khi dừng lại để suy ngẫm về bản thân, về những gì mình học, về cách học, về cách đón nhận thông tin, về cách làm việc của não bộ… Nói cách khác, chúng ta học đủ thứ, nhưng chúng ta không học về chính sự học của mình.
Cuốn sách cũng dành cho người dạy vì sự học luôn có mối liên hệ chặt chẽ với sự dạy, với việc tổ chức và phương cách quản lý của nhà trường. Trong nhiều chương của cuốn sách, tác giả bàn đến các lý luận, đến triết lý của giáo dục, đến các hành động sư phạm nền tảng, nhưng cũng trình bày những phương pháp sư phạm thiết thực, cụ thể và hấp dẫn, chẳng hạn sách gợi ý với các giáo viên nên bắt đầu một bài giảng thế nào, cách dẫn dắt học sinh tranh luận thế nào, cách làm cho học sinh nhận ra vấn đề của các em và cách dẫn dắt các em đến một sự thay đổi trong quan niệm, trong lối tư duy thế nào…
Đặc biệt, trong các chương 14 và 15, tác giả nói về “nghề giáo viên tương lai”. Trong xã hội hiện đại, người thầy thực sự là ai? Thầy là người truyền đạt kiến thức hay thầy là chuyên gia truyền tỏa động lực, thầy là người nắm giữ tri thức hay thầy là người trung gian, là nhịp cầu giúp học sinh đến với tri thức. Sự thành công của nghề dạy học là tạo ra những biến đổi thực sự nơi người học, là người thay đổi hiện trạng, là người kích thích sự đổi mới và sáng tạo, là người thúc đẩy sự tiến chuyển của từng cá nhân và xã hội. Do vậy, nghề giáo là một nghề khó, công việc giảng dạy là một nghệ thuật rất cao quý mà xã hội luôn cần. Xã hội có tiến bộ được hay không sẽ phụ thuộc vào các giáo viên, phụ thuộc vào việc họ có hành nghề của mình thành công hay không.
Cuốn sách cũng dành cho các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo giáo dục, những người hơn ai hết cần hiểu một cách sâu sắc học là gì và dạy là gì, cần có những triết lý rõ ràng về giáo dục, cần hiểu biết về con người, về xã hội, về não bộ, về các cơ chế thần kinh của người học, nhằm kiến tạo nên một hệ thống giáo dục cho phép sự học diễn ra, cũng có nghĩa là kiến tạo một môi trường học tập nghiên cứu phù hợp, cho phép con người phát triển tối đa theo cách của từng người. Khi làm được như thế, cũng có nghĩa là cho phép quốc gia, đất nước tự do và phát triển một cách hùng cường.
Trường học ngày mai
Trong các chương cuối, tác giả hướng tới một viễn cảnh tương lai, về một trường học của ngày mai, vào những năm 40, 50 của thế kỷ XXI này, trường học cần giảng dạy những kiến thức và kỹ năng gì, giáo viên là ai và nên làm gì, nên xây dựng một môi trường sư phạm thế nào. Chương cuối cùng của cuốn sách sẽ bàn đến một chủ đề vốn rất thời sự tại Việt Nam hiện nay đó là hình thức giáo dục tích hợp; và trong phần kết luận, tác giả hướng người đọc đến với xã hội, một xã hội học tập.
Đây là cuốn sách nền tảng, đúc kết từ nhiều kết quả nghiên cứu của giáo sư Giordan và trung tâm nghiên cứu của ông trong suốt 40 năm. Cuốn sách không chỉ là lý thuyết mà trên hết nó mang tính thực hành dành cho cả người học, người dạy cũng như các nhà quản lý, các lãnh đạo giáo dục, giúp các chủ thể khác nhau trong hệ thống giáo dục tư duy lại về vị trí và vai trò của mình nhằm thay đổi quan niệm và từ đó thay đổi cách thức hành động.
Cuốn sách là nền tảng về mặt lý thuyết mà trên đó tác giả đã phát triển nhiều cuốn sách ứng dụng khác dành cho các lứa tuổi học sinh khác nhau về sự học mà chúng tôi đã dịch những năm gần đây, như cuốn Học thế nào bây giờ? Chiến lược phát triển bản thân và thành công trong việc học dành cho học sinh cấp 2, xuất bản năm 2017, và cuốn Học thế nào bây giờ? Hướng dẫn trẻ cách học tự chủ dành cho học sinh tiểu học, xuất bản năm 2019.
Xã hội ngoài kia đang thay đổi rất nhanh, nhưng hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục Việt Nam thì vẫn cứ chậm chạp lăn bánh theo quán tính của nó. Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta cũng đã nỗ lực để thay đổi theo hướng tiến bộ, nhưng nhìn từ góc độ hệ thống, chúng tôi thấy sự đổi mới “căn bản và toàn diện” này khó có thể thành công vì thiết chế giáo dục luôn gắn bó và phụ thuộc vào các thiết chế khác như văn hóa và chính trị. Nói cách khác, giáo dục khó có thể thay đổi căn bản và toàn diện nếu các thiết chế này không thay đổi căn bản và toàn diện. Trong bối cảnh như vậy, cách thay đổi hiệu quả nhất là từ mỗi người học, từ các giáo viên và các chủ thể trong từng nhà trường, mà chúng ta thường gọi là thay đổi từ dưới lên. Cuốn sách này là một tài liệu quý cho phép tư duy và thực hành theo chiều hướng này.
Nguyễn Khánh Trung
Thông tin liên lạc:
Mail: khoaxhh@ou.edu.vn/khang.ntrung@ou.edu.vn
SĐT: 028 3838 6616
Chiều ngày 24/10 vừa qua, Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Quỹ Gia đình và Trẻ em Đài Loan (TFCF) tổ chức buổi xem phim và thảo luận vì quyền lợi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại CGV Hoàng Văn Thụ
Sáng ngày 18/10 vừa qua, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa Đông Nam Á lần thứ 9, năm 2020.
Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á học tổ chức Hội thảo “Tiểu văn hóa đô thị và quá trình hội nhập tại Việt Nam”
Sáng ngày 25/10 vừa qua, Vòng chung kết cuộc thi Vòng quanh Đông Nam Á lần XIX năm 2020 đã diễn ra tại Hội trường 602, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cuộc thi thường niên do Đoàn trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á tổ chức nhằm nâng cao vai trò hội nhập và tạo môi trường tìm hiểu văn hóa các quốc gia cho sinh viên.