NGÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
(MÃ NGÀNH: 7760101)

I. THÔNG TIN TỔNG QUÁT

Ngành đào tạo:
Ngành đào tạo tiếng Anh:
Mã ngành:
Trình độ đào tạo:
Hình thức đào tạo:
Thời gian đào tạo:
Khối lượng kiến thức toàn khóa:
Văn bằng tốt nghiệp:

Công tác xã hội
Social Work
7760101
Đại học
Chính quy tập trung
4 năm
125 tín chỉ
Cử nhân

II. GIỚI THIỆU CHUNG

Công tác xã hội là một khoa học, một nghề chuyên nghiệp. Người làm công tác xã hội hay còn gọi là nhân viên xã hội làm việc với các đối tượng là các cá nhân, gia đình, các nhóm mà trong đó các thành viên có vấn đề giống nhau và cộng đồng dân cư- đây là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn- để giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết vấn đề của chính họ, không tạo ở họ sự lệ thuộc. Công cụ làm việc của nhân viên xã hội chính là các phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội, nghiên cứu, thực thi chính sách…

Học Công tác xã hội, sinh viên sẽ có kiến thức về xã hội, tâm lý, các lý thuyết công tác xã hội, nắm vững và  thực hành các phương pháp công tác xã hội như Công tác xã hội với cá nhân, Công tác xã hội nhóm, Phát triển cộng đồng. Các lãnh vực của Công tác xã hội có thể kể ra sau đây: An sinh nhi đồng và gia đình; Thanh thiếu niên từ bình thường cho đến trẻ khó khăn; Người già; Người khuyết tật; Sức khỏe tâm thần; Cộng đồng dân cư; Những đối tượng xã hội như người nghiện, người lớn và trẻ em phạm pháp…

III. CƠ HỘI VIỆC LÀM

Với tư cách là Công tác xã hội viên, sinh viên tốt nghiệp có thể thực hiện được các nghiệp vụ Công tác xã hội có yêu cầu cơ bản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội với cá nhân, nhóm, cộng đồng cần sự trợ giúp tại:
– Các cơ quan quản lý nhà nước ở các Bộ và ngành dọc phụ trách về vấn đề an sinh xã hội và các tổ chức chính trị xã hội: trở thành cán bộ ủy ban các cấp, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội chữ thập đỏ tham gia giải quyết một số vấn đề ở lĩnh vực an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, chính sách xã hội, dân số, sức khỏe, môi trường, văn hóa xã hội. Ở các lĩnh vực này, nhân viên công tác xã hội bảo đảm quyền lợi cho đối tượng bảo trợ xã hội, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, an toàn xã hội, lao động – việc làm và phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường.
– Các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các dự án phát triển xã hội, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức cung cấp dịch vụ trực tiếp công lập hoặc tư nhân hoặc tôn giáo và các cơ sở, tổ chức từ thiện nhân đạo: Nhân viên xã hội làm việc trực tiếp với cá nhân, nhóm, cộng đồng cần sự trợ giúp.
– Các doanh nghiệp trong và ngoài nước: Nhân viên công tác xã hội thể hiện vai trò là người hỗ trợ, tham mưu cho tổ chức, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ , công nhân viên, kết giữa công nhân với doanh nghiệp, doanh nghiệp với xã hội, cải thiện các mối quan hệ tiêu cực ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
– Cơ sở giáo dục và quản lý giáo dục: Nhân viên xã hội học đường là người hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý, xây dựng các chính sách, hạn chế những khuyết điểm và phát huy những thế mạnh của nhà trường, kết nối nhà trường với các tổ chức xã hội khác, trợ giúp giáo viên và học sinh sinh viên vượt qua những khó khăn về tâm lý xã hội, nâng cao kiến thức cho phụ huynh và học sinh, làm cầu nối giữa gia đình và nhà trường, giải quyết các mối quan hệ xã hội trong quá trình đào tạo.
– Các bệnh viện, cơ sở y tế: nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực y tế là cầu nối giữa người bệnh, gia đình họ và đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ trong việc phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, giúp người bệnh và gia đình được chăm sóc cả về thể chất, tinh thần, tiếp cận được những nguồn lực vật chất sẵn có. Nhân viên công tác xã hội cũng thu cấp các dịch vụ phục hồi tại gia đình và cộng đồng, giúp người bệnh và gia đình.