Notice: Undefined index: url in D:\Website\xhh.ou.edu.vn\wp-content\plugins\wp-optimize\optimizations\optimizations.php on line 1 . Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 – Dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trước những thất bại liên tiếp của địch và thắng lợi dồn dập của ta trên khắp chiến trường, từ cuối năm 1966 đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đi tới chủ trương tạo điều kiện tiến tới mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, “vừa đàm vừa đánh”; đó là sách lược hỗ trợ cho dấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của quân và dân ta.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa III, họp từ ngày 23 đến ngày 26-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trình bày “Đề cương báo cáo về công tác đấu tranh ngoại giao”, trong đó chỉ rõ: “Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 khóa III, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về mặt ngoại giao bây giờ là đúng lúc” và chỉ rõ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”.

Quan điểm của Đảng được quán triệt trong các hoạt động chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo chiến tranh từ giữa năm 1968 trở đi. Trước mắt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13, ngày 28-1-1967, Bộ Ngoại giao ta ra tuyên bố khẳng định lập trường trước sau như một của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do; đồng thời chỉ rõ: “Phía Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được”.

Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình, xem xét dự thảo “Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân 1967-1968”. Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị được triệu tập và bàn bạc rất kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược này. Hội nghị nhận định, thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam, Bắc là to lớn, toàn diện. Thắng lợi đó đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch.

Hội nghị nhận định, về phía ta, cả thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép ta “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”. Nhưng tương đối ngắn là bao lâu? Tuy bàn bạc rất tỉ mỉ về tương quan lực lượng lúc đó, Hội nghị cũng chỉ có thể dự kiến sẽ giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng “ĐÁNH LỚN”. Muốn vậy, nhiệm vụ quân sự của ta là phải tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng, đồng thời phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, khiến cho chúng không còn là lực lượng chiến lược trong tiến công và phòng ngự mà Mỹ dựa vào đó để tiến hành chiến tranh.

Nhằm chuẩn bị tốt nhất theo phương hướng trên, trong 5 ngày, từ ngày 20 đến 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Đây là hội nghị rất quan trọng để vạch ra kế hoạch tiến công táo bạo “Tết Mậu Thân 1968” lịch sử. Tại Hội nghị, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo “Kế hoạch chiến lược Đông Xuân Hè 1967-1968” làm cơ sở cho Bộ Chính trị bàn bạc và thảo luận. Ngoài bản dự thảo kế hoạch trên đây, Bộ Chính trị còn dành thời gian nghe báo cáo về tình hình địch của Cục 2, về tình hình ta của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ và thảo luận kỹ các báo cáo, đặc biệt là “Kế hoạch Đông Xuân Hè 1967-1968” do Quân ủy Trung ương dự thảo, Bộ Chính trị chủ trương tạo một bất ngờ lớn về chiến lược đánh địch. Để tạo được bất ngờ về chiến lược, Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Sau Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1967, các chiến trường bắt tay chuẩn bị trực tiếp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua “Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự, chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng báo cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận. Bộ Chính trị chủ trương: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Đây là nhiệm vụ trọng đại và cấp bách. Bộ Chính trị quyết định: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

Bộ Chính trị dự kiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có thể phát triển theo ba khả năng: Một là, ta giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, ý chí xâm lược của địch bị đè bẹp, địch phải chịu thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của ta. Hai là, tuy ta giành thắng lợi quan trọng nhiều nơi nhưng địch vẫn còn lực lượng dựa vào những căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn – nhất là Sài Gòn để tiếp tục chiến đấu với ta. Ba là, Mỹ tăng cường nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh, gỡ thế đang thua của chúng. Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: Ta phải nỗ lực phi thường giành thắng lợi cao nhất theo khả năng một, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng chủ động đối phó với khả năng hai, khả năng ba, tuy ít.

Tháng 1-1968, để giữ bí mật ý đồ chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương lên họp ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) để thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967. Hội nghị Trung ương phân tích sâu sắc toàn diện các vấn đề Bộ Chính trị nêu ra, tính kỹ các phương án, cuối cùng Trung ương nhất trí với Bộ Chính trị và lấy đó làm Nghị quyết Trung ương lần thứ 14. Phát biểu trong Hội nghị, đồng chí Trường Chinh cho đây là “MỘT SÁNG TẠO LỚN CỦA ĐẢNG”.

Đêm 29 rạng sáng ngày 30-1-1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, ngày mồng Một Tết theo lịch miền Bắc), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra ở khắp các tỉnh và thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn – Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức… Trải qua ba đợt tấn công, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội tay sai Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời căn cứ vào đặc điểm tình hình mọi mặt, Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 giành thắng lợi quyết định. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về “Tình hình và nhiệm vụ mới” tháng 10-1968 đánh giá “đó là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo, là một sáng kiến lịch sử của Đảng ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”. Với thực tiễn đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là dấu ấn sâu đậm, tạo nên bước đột phá trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Trích Báo Điện tử Quân đội nhân dân

Tin liên quan

No Image

KỶ NIỆM 55 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

31/01/2023

Cách đây 55 năm (1968 – 2023), vào thời khắc Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên Ðài Tiếng nói Việt Nam…

No Image

Nhớ mãi trận đánh Tết Mậu Thân năm ấy…

31/01/2023

Tết Mậu Thân 1968 là cái Tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn…

No Image

Công bố Ban Chấp hành Đoàn khoa nhiệm kì 2022 – 2024

19/01/2023

Danh sách Ban Chấp hành Đoàn khoa gồm 15 đồng chí, trong đó có 5 Ủy viên Ban Thường vụ và 10…

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ: XÂY DỰNG KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

20/04/2024

Bạn đang thắc mắc về Nghiên cứu khoa học phải bắt đầu từ đâu hay cách xây dựng một đề tài Nghiên cứu khoa học như thế nào ? Đừng lo lắng, vì Hội thảo sẽ giải đáp cho các bạn “tất tần tật” luôn nhé.